Chương trình giao lưu “Lan tỏa văn hóa dân tộc qua tà áo dài Việt Nam ” nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 2025) và 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 – 08/3/2025), hưởng ứng Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 năm 2025, do Nhà Văn hóa Phụ nữ Thành phố phối hợp với Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài và góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Nhà thiết kế áo dài, Thạc sĩ Lê Sĩ Hoàng, Nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài chia sẻ, hiện áo dài không chỉ là sản phẩm tiêu dùng mà đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống người Việt. Không đơn thuần là trang phục truyền thống, áo dài còn mang giá trị văn hóa đặc trưng, thể hiện bản sắc dân tộc và là niềm tự hào của người Việt Nam khi xuất hiện trên trường quốc tế. Vì vậy, việc mặc áo dài không còn là phong trào mà đã thực sự trở thành một lựa chọn yêu thích của giới trẻ, khẳng định sức sống bền vững của tà áo dài trong đời sống hiện đại.
Nhưng thực tế về áo dài cũng đang đối diện không ít thử thách trong dòng chảy hiện đại. Họa sỹ Sĩ Hoàng trăn trở: “Tôi mong mỗi người phải hiểu rằng, mặc áo dài không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, mà còn là trách nhiệm công dân. Mặc áo dài không chỉ cho mình, mà còn thể hiện chủ quyền trang phục nước mình, thể hiện nét đẹp văn hóa, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”.
Xuất hiện trước hàng trăm chị em, ca sỹ Nguyễn Phi Hùng diện một bộ áo dài với màu nền nã. Anh vui vẻ cho biết: “Phi Hùng rất vui khi được làm đại sứ áo dài của thành phố”. Anh cũng chia sẻ rằng áo dài đồng hành với anh rất nhiều trong những chuyến biểu diễn không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Ngoài ý thức giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc ra thế giới, anh chọn áo dài để mặc trên sân khấu còn vì cảm nhận vẻ đẹp của loại trang phục này trước những lời trầm trồ của khán giả ngoại quốc.
Về vấn đề áo dài cách tân, NTK Sĩ Hoàng cho rằng, yếu tố cần đặt lên hàng đầu của trang phục là sự an toàn cho con người, an toàn cho môi trường và an toàn cho sự vận động của cơ thể, sau đó mới đến giá trị thẩm mỹ. Vì vậy, việc thay đổi kiểu dáng áo dài cho phù hợp từng hoàn cảnh, sự kiện là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Bên cạnh đó, người tham dự chương trình cũng nhiệt tình đóng góp ý kiến, chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận cũng như tình cảm của bản thân dành cho tà áo dài thân yêu, cho thấy tình yêu áo dài của người dân thành phố chưa bao giờ giảm nhiệt. Mỗi người đến với buổi giao lưu đều với tinh thần của một đại sứ áo dài, góp phần lan tỏa vẻ đẹp quý giá này.
Chương trình thu hút 130 người tham dự là cán bộ, hội viên đến từ các Cơ sở Hội trên toàn Thành phố, sinh viên các trường đại học và những người thật sự quan tâm đến nội dung của chương trình và được sự tham dự, đưa tin của: Trung tâm Tin tức Đài truyền hình TP.HCM, các báo: Phụ Nữ TP.HCM, Tuổi Trẻ, Người Lao động, Sài Gòn giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam, Website Thành ủy và Fanpage Nhà Văn hóa Phụ nữ Thành phố.